Vừa rồi mình có nâng cấp máy tính của mình vì máy cũ đã sử dụng lâu nên hiệu năng chơi game không còn đủ đáp ứng. Vì lâu rồi mình không build máy tính nên chưa cập nhật kiến thức. Do đó mình đã phải nghiên cứu rất nhiều để có thể lựa chọn được một cấu hình máy thật ưng ý. Dưới đây là tổng hợp các kiến thức mà mình đã rút ra được qua các bài viết mình đã tham khảo trên mạng.
1. CPU
Khỏi nói chắc ai cũng biết 2 hãng CPU phổ biến nhất hiện nay là Intel và AMD. Tuy nhiên, nếu ai không thường xuyên theo dõi hay cập nhật kiến thức khi sẽ cực kỳ rối vì mỗi hãng có rất nhiều mã CPU khác nhau. Để tiện phân biệt mình xin tổng hợp lại như sau:
1.1 Intel
a. Phân loại theo socket
- Socket 1151: 6th gen (6xxx), 7th gen (7xxx), 8th gen (8xxx), 9th gen (9xxx)
- Socket 1200: 10th gen (10xxx), 11th gen (11xxx)
- Socket 1700: 12th gen (12xxx), 13th gen (13xxx), 14th gen (14xxx)
b. Phân loại theo hiệu năng và tính năng
- Intel Core i3 < i5 < i7 < i9
- Mã có đuôi F: không có iGPU (VD: 12400F)
- Mã có đuôi K: unlocked, có thể overclock (VD: 12600K)
1.2 AMD
a. Phân loại theo socket
- Socket AM4: 1xxx, 2xxx, 3xxx, 4xxx, 5xxx
- Socket AM5: 7xxx
b. Phân loại theo hiệu năng và tính năng
- Ryzen 3 < 5 < 7 < 9
- Mã có đuôi G: có iGPU tích hợp (VD: 5600G)
- Mã có đuôi X: base & boost clock cao hơn (VD: 5700X)
- Mã có đuôi X3D: chuyên chơi game, được tăng cường cache L3 nhưng giảm xung nhịp so với đuôi X
1.3 Các vấn đề cần quan tâm
- CPU dòng giá rẻ đời mới hơn thường sẽ có hiệu năng bằng hoặc mạnh hơn CPU dòng cao cấp đời cũ. VD: CPU Intel Core i3 12100 có hiệu năng mạnh hơn CPU Core i7 7700 đến gần 25% và mạnh hơn CPU Core i5 10400 gần 12%.
- Số lõi nhiều hơn không có nghĩa là hiệu năng mạnh hơn, đặc biệt là đối với game. Ví dụ Core i3 12100 4 lõi cho hiệu năng chơi game tốt hơn i5 10400 6 lõi đến 12% nhờ vào hiệu năng lõi đơn mạnh hơn trong khi đối với các tác vụ đa nhiệm khác thì cả 2 CPU đều cho hiệu năng tương đương.
- Các CPU AMD thường ít thay đổi socket hơn CPU Intel nên có thể sử dụng lại mainboard cũ khi nâng cấp CPU.
- Các CPU AMD hầu như đều có thể overclock với mainboard có hỗ trợ overclock.
1.4. Tray vs Box
- Tray: hàng cung cấp cho các nhà sản xuất thiết bị gốc OEM (Dell, HP…) để lắp máy bộ, không có bảo hành chính hãng và chất lượng thì không được đảm bảo vì không được qua các bước kiểm tra kỹ như hàng box. Tuy nhiên giá thì rẻ hơn từ 1/3 đến 1/2 so với giá gốc. Nếu hên gặp được lô hàng tốt thì chất lượng không khác gì hàng box, chỉ khác là không có sẵn fan tản nhiệt kèm theo.
- Box: Hàng chính hãng, nguyên hộp, có sẵn quạt tản nhiệt và thường được bảo hành 36T chính hãng. Chất lượng được đảm bảo vì đã được kiểm tra kỹ trước khi bán ra. Nhược điểm là giá cao hơn 30-50% so với hàng tray.
1.5 CPU đã sử dụng
CPU thường rất bền và rất ít hư hỏng, nếu mua từ các shop uy tín, có bảo hành hay bao xài thì mình sẵn sáng mua nếu tài chính eo hẹp. Sau khi mua về thì stress test và test các game nặng mà thấy ổn, không crash là ok.
2. Mainboard
Mainboard dùng để chạy CPU Intel sẽ khác với mainboard cho CPU AMD. Ngoài ra mỗi dòng mainboard cũng sẽ có nhiều phân khúc khác nhau để phù hợp với nhu cầu người dùng. Cụ thể như sau:
2.1 Intel
a. Phân loại theo chất lượng
- Hxxx: dòng giá rẻ, chất lượng VRM thấp, chỉ phù hợp cho i3, i5 (non-K)
- VD: H110, H310…
- Bxxx: dòng tầm trung, VRM tốt hơn, phù hợp cho for i5, i7, i9 (non-K), có khả năng overclock RAM
- VD: B460, B760…
- Zxxx: dòng cao cấp, VRM tốt nhất, phù hợp cho i5, i7, i9 (K), có khả năng overclock CPU
- VD: Z470, Z690…
b. Phân loại theo socket
- 1151: H1xxx-H3xxx, B1xxx-B3xxx, Z1xxx-Z3xxx
- 1200: H4xxx-H5xxx, B4xxx-B5xxx, Z4xxx-Z5xxx
- 1400: H6xxx-H7xxx, B6xxx-B7xxx, Z6xxx-Z7xxx
2.2 AMD
a. Phân loại theo chất lượng
- Axxx: cơ bản, không thể overclock
- VD: A320, A530…
- Bxxx: VRM chất lượng, có thể overclock, dòng Gaming có hỗ trợ AMD Crossfire
- VD: B450, B550, B350 Gaming…
- Xxxx: VRM chất lượng cao, nhiều chế độ overclock nâng cao, hỗ trợ NVDIA SLI.
- VD: X370, X570
b. Phân loại theo socket
- AM4: A3xx-A5xx:, B3xx-B5xx, X3xx-x5xx
- AM5; A6xx, B6xx, X6xx:
2.3 Các thương hiệu uy tín
MSI, Asus, Gigabyte, ASRock
2.4 Các vấn đề cần quan tâm
- Khả năng nâng cấp firmware (rom). Các bản nâng cấp firmware sẽ giúp hệ thống hoạt động ổn định hơn, đồng thời cũng cho phép mainboard tương thích với nhiều loại CPU và RAM hơn. Thường các hãng lớn như MSI, Asus… sẽ thường xuyên tung ra các bản cập nhật này hơn là các thương hiệu ít phổ biến.
- Khả năng tương thích: Thông thường những mainboard giá rẻ đều có thể chạy được tất cả các loại CPU mà nó hỗ trợ. Ví dụ như mainboard H610 đều có thể chạy được cả i3, i5, i7 thậm chí là i9. Tuy nhiên vì VRM (bộ điều khiển điện áp) được sử dụng trên mainboard là loại chất lượng thấp nên nó sẽ không thể đáp ứng nổi tốc độ cũng như hiệu năng của các CPU cao cấp. Do đó khi cho các CPU cao cấp chạy trên các loại mainboard này thì tốc độ và hiệu năng của nó sẽ bị giảm đáng kể khi VRM bị quá tải. Điều này cũng xảy ra với CPU AMD khi cho một CPU cao cấp như R9 5950X chạy với mainboard B450 thì hiệu năng sẽ không bằng khi chạy trên B550 hay X570.
- Các mainboard AM4 của AMD đều có thể chạy được tất cả các CPU AM4 từ thấp đến cao, riêng A3xx, B3xx, X3xx thì cần nâng cấp firmware mới chạy được CPU 5xxx.
- Khả năng mở rộng: Khi chọn 1 mainboard tương thích với một CPU nào đó, mình cũng sẽ cân nhắc việc sau này có thể mình sẽ muốn nâng cấp lên một CPU dòng cao hơn mà không cần phải đổi mainboard mới. Do đó, nếu khả năng tài chính cho phép thì mình sẽ ưu tiên chọn các mainboard có hỗ trợ chạy các dòng cao hơn CPU mà mình muốn mua. Ví dụ nếu mình muốn chọn mainboard cho CPU Intel Core i5 12400F thì thay vì mình có thể chọn mainboard H610 là đủ, nhưng dự trù cho khả năng mình có thể sẽ muốn nâng lên Core i7 12600 hoặc Core i5 13600 để phù hợp cho nhu cầu của tương lai nên mình sẽ chọn mainboard B660 hoặc B760.
2.5 Các tính năng tuỳ chọn
- VRM heatsink: mình thường sẽ ưu tiên chọn các loại mainboard có tản nhiệt cho VRM. Khi VRM bị quá nhiệt thì mainboard sẽ bắt dầu bóp hiệu năng (throttle) của CPU lại để tránh hỏng chip. Việc VRM có trang bị tản nhiệt sẽ giúp cho CPU có thể chạy full load mà hạn chế bị throttle. Nếu mainboard không có trang bị sẵn VRM heatsink thì vẫn có thể mua thêm tản nhiệt VRM để dán lên các chip VRM.
- Hỗ trợ RAM: tuỳ theo giá thành mà mainboard sẽ được hỗ trợ loại RAM DDR4 hoặc DDR5. DDR4 hỗ trợ tối đã bus 3200 MHz còn DDR5 thì hiện là 5600 MHz. Dĩ nhiên nếu có điều kiện thì DDR5 vẫn là lựa chọn ưu tiên, đặc biệt khi chạy với các CPU & GPU cao cấp. Tuy nhiên, nếu tài chính không cho phép thì DDR4 hiện vẫn cho hiệu năng rất tốt.
- Số lượng khe cắm RAM: Số lượng khe cắm RAM cũng nên được cân nhắc cho việc nên cấp sau này mà không phải bán RAM cũ. Theo mình thì với nhu cầu gaming trong vài năm tới thì 32-64 GB RAM là quá đủ nên mình không ngại việc có 2 khe RAM.
- PCIe 4.0 vs 3.0: Chuẩn 4.0 cho tốc đọ 16 GT/s còn 3.0 là 8 GT/s. Các mainboard và GPU hiện đều cho phép tương thích ngược, tức là mainboard 3.0 thì vẫn có thể chạy GPU 4.0 và ngược lại. Thực tế khi gaming thì chênh hiệu năng giữa 2 chuẩn này chỉ 1-3% nên cũng không quá khác biệt. Tuy nhiên, hiện mainboard hỗ trợ PCIe 4.0 khá rẻ và phổ biến nên mình sẽ ưu tiên chọn nó để có được tốc độ tối đa cho các GPU 4.0.
- PCIe NVMe M.2 Gen 3×4 vs Gen 4×4: Tốc độ tối đa của PCIe Gen 3×4 là 4 GB/s còn Gen 4×4 là 8 GB/s. Hai công nghệ này cũng tương thích ngược nên có thể cắm chéo giữa mainboard Gen 3×4 và SSD Gen 4×4 hoặc ngược lại mà không xảy ra vấn đề gì. Đối với các công việc cần truy cập thường xuyên vào các file dữ liệu lớn như render hay edit video thì tốc độ của Gen 4×4 sẽ giúp các tác vụ mượt mà hơn nhiều. Còn trong các trường hợp khác thì theo mình sự khác biệt hầu như không đáng kể.
- Số lượng khe cắm NVMe M.2: Vì NVMe cho tốc độ vượt trội so với SATA trong khi giá cả thì không chênh lệch nhiều nên mình sẽ ưu tiên việc sử dụng và mở rộng ổ cứng loại này nếu điều kiện cho phép.
- Số cổng Sata: Thông thường là 4 cổng nhưng một số mainboard chỉ có 2 hoặc có loại thì 6 cổng. Tuỳ vào nhu cầu về lưu trữ mà mình sẽ chọn số cổng cho phù hợp nhưng mình sẽ ưu tiên chọn loại 4 cổng.
- ARGB vs RGB: Là các công nghệ giúp việc điều khiển các màu sắc trên các fan LED rất tiện lợi thông qua phần mềm được tích hợp sẵn. Công nghệ ARGB (3 pins) thì cho phép thay đổi màu của từng bóng LED riêng lẻ nên có thể tạo ra các hiệu ứng phức tạp và bắt mắt như rainbow effect. Còn công nghệ RGB (4 pins) thì chỉ cho phép thay đổi màu cho cả dãy LED nên ở cùng thời điểm mỗi dây LED chỉ cho ra một màu mà thôi.
- Usb 3.2 Gen 1 vs Gen 2: Usb 3.2 Gen 1×1 (hoặc 3.1 gen 1 hay 3.0) cho tốc độ tối đa 5 GB/s còn Gen 2×1 (hoặc 3.1 gen 2) có tốc độ tối đa 10 GB/s. Nếu hay sử dụng các ổ cứng rời để chép dữ liệu thì có thể cân nhắc thêm về các chuẩn này.
2.6 Mainboard đã sử dụng
Một mainboard còn nguyên bản, chưa sửa chữa thường có tuổi thọ khá cao nếu được bảo quản tốt. Nếu tài chính không cho phép và giá cả chênh lệch nhiều thì mình cũng sẽ cân nhắc mua hàng đã sử dụng ở các shop uy tính, còn bảo hành hãng và có bao xài.
3. RAM
3.1 Tính tương thích
Mặc dù RAM đều được sản xuất theo một tiêu chuẩn chung nhưng các nhà sản xuất vẫn cho ra mắt các dòng RAM khác nhau để tương thích tốt nhất với các hệ thống khác nhau.
a. AMD RAM vs Intel RAM
Thông thường RAM được thiết kế để chạy với xung nhịp mặc định thấp hơn rất nhiều so với xung nhịp ghi trên nhãn. Ví dụ RAM 3200 Mhz thật chất được thiết kế với xung nhịp 2400 Mhz, nhưng các nhà sản xuất sẽ cung cấp thêm các profile (cấu hình) được tích hợp sẵn trên RAM cho phép các mainboard ép xung (overclock) để nó có thể chạy với xung nhịp cao hơn là 3200 Mhz.
Do đó, đối với các RAM được sản xuất riêng cho hệ CPU Intel thì nhà sản xuất sẽ tích hợp sẵn các profile tương thích với CPU và mainboard của Intel, được gọi là XMP (hiện là phiên bản 2.0 với DDR4 và 3.0 với DDR5). Ngược lại, đối với RAM sản xuất cho CPU AMD thì sẽ được tích hợp sẵn các profile tương tích với CPU và mainboard của AMD còn được gọi là EXPO. Ngoài ra cũng có một số loại RAM được nhà sản xuất tích hợp luôn cả XMP và EXPO để có thể sử dụng chung cho cả 2 hệ thống Intel và AMD.
Hầu hết các RAM có ghi “Intel support” hay “AMD support” đều sẽ chạy tốt trên các nền tảng tương ứng. Tuy nhiên để chắc chắn nó tương thích với mainboard đã chọn thì mình sẽ xem thêm danh sách QVL (danh sách các loại RAM đã được nhà sản xuất kiểm tra tính tương thích) có trên website của mainboard hoặc của RAM. Lưu ý là nếu RAM mình chọn không nằm trong danh sách này thì không có nghĩa là nó không tương thích mà chỉ là chưa được nhà sản xuất kiểm tra mà thôi.
b. RAM Intel có sử dụng cho CPU AMD được không?
RAM có thể sẽ chạy nhưng với xung nhịp cơ bản chứ không thể lên được xung nhịp ghi trên nhãn. Một số mainboard của AMD cũng có hỗ trợ đọc profile XMP của Intel rồi dịch sang EXPO của AMD để cho phép chạy với xung nhịp cao hơn nhưng vẫn không thể chạy với xung ghi trên nhãn do XMP của Intel thường có tốc độ xung cao hơn của mainboard AMD. Để biết chắc chắn nó có được hỗ trợ không thì mình xem thêm danh sách OVL của mainboard trên các website của hãng.
c. RAM AMD có sử dụng cho CPU Intel được không?
Hầu như sẽ chạy được do timings của XMP Intel thường sẽ nhỏ hơn EXPO AMD nhưng dĩ nhiên hiệu năng cũng sẽ giảm hơn so với chạy với chip Intel.
d. Single vs Kit
Nhà sản xuất thường sẽ cung cấp 2 loại RAM khác nhau cho cùng một model: một là loại bán từng thanh riêng lẻ (single) và loại còn lại sẽ được bán một cặp 2 thanh (kit) trong một hộp. Về mặt cấu hình thì 2 loại này hoàn toàn không khác biệt, các thông số, chủng loại chip đều giống nhau 100%. Điểm khác biệt duy nhất đó là loại RAM kít thì đã được nhà sản xuất kiểm tra và chứng nhận là nó hoàn toàn tương thích với nhau và hoạt động hoàn hảo theo cặp đó. Do đó, nói về tính ổn định khi sử dụng một lúc cả 2 thanh thì RAM kit sẽ được đảm bảo hơn là mua 2 thanh RAM single. Tuy nhiên theo kinh nghiệm cá nhân thì các RAM single nếu được sản xuất trong cùng một năm hoặc cùng một LOT thì hầu như đều tương thích với nhau tốt. Do giá của RAM kit thường hay mắc hơn RAM single khá nhiều nên mình thường chọn mua 2 thanh single để tiết kiệm chi phí.
3.2 Tốc độ xung nhịp và độ trễ CAS
Cùng một tốc độ xung nhịp (bus speed) thì với RAM có độ trễ càng thấp sẽ càng nhanh và dĩ nhiên giá thành cũng sẽ cao hơn. Ví dụ như CL16 sẽ nhanh hơn CL18 hoặc CL20.
Các RAM cho chip Intel thì thường có CAS Latancy (CL) thấp hơn so với chip AMD. Do đặc tính Intel rất nhạy cảm với timings nên mình sẽ ưu tiên chọn các RAM có CL thấp. Ví dụ mình sẽ cố gắng chọn ít nhất là CL16, hoặc nếu dư dã hơn thì CL15 hay CL14.
Ngược lại thì chip AMD lại thích bus speed hơn nên mình sẽ ưu tiên chọn RAM có xung nhịp cao.
Riêng đối với máy gaming thì bus càng cao sẽ cho tốc độ fps của 1% low cao hơn. Theo mình thì cái này khá quan trọng cho các thể loại game FPS rất cần tính ổn định của fps.
3.3 Kênh đôi (Dual channel)
Sử dụng 2-4 thanh RAM (tốt nhất là cùng loại) cùng lúc sẽ cho hiệu năng nhanh hơn rất nhiều so với chỉ gắn 1 thanh. VD: gắn 2 thanh 8 GB sẽ cho hiệu năng nhanh hơn là gắn 1 thanh 16 GB. Đã có nhiều bài test hiệu năng trên Youtube cho thấy sử dụng kênh đôi giúp tăng thêm 10-30 fps khi chơi game.
3.4 OEM vs Chính Hãng
Hiện trên thị thường mình thấy có một số loại ram ghi là làng OEM, được bán cho các nhà sản xuất thiết bị gốc như Dell, HP… lắp cho các máy bộ, có giá khá rẻ. Khi xem các đánh giá trên Shopee thì mình thấy cũng có nhiều đánh giá tốt. Nhưng mình vẫn chọn mua hàng chính hãng vì 3 lý do:
- Các RAM OEM thường mình thấy hầu hết CL khá cao, không phù hợp với yêu cầu của mình
- Mình chưa chắc lắm về sự tương thích và tính ổn định khi chạy với mainboard & CPU mình đã chọn.
- RAM chính hãng được bảo hành chính hãng được 36T-60T còn OEM thì hên xui
3.5 Các thương hiệu uy tín
Gskill, Teamgroup, Crucial, Kingston (chính hãng), ADATA
3.6 RAM đã sử dụng
So với CPU thì RAM cũ có tỉ lệ lỗi cao hơn. Quan trọng nếu mua được RAM đúng chính hãng, còn bảo hành thì vẫn có thể cân nhắc mua. Hiện cũng có rất nhiều phần mềm giúp test RAM nên cũng yên tâm phần nào.
Mời xem tiếp phần 2: