Tiếp tục series “Kinh nghiệm chọn linh kiện build máy tính PC”, ở phần trước mình đã chia sẻ về một số kinh nghiệm khi lựa chọn CPU, Mainboard và RAM để lắp máy tính. Bài này mình tiếp tục nói về GPU/VGA, SSD và PSU.
1. GPU/VGA (Card đồ hoạ)
Tương tự như CPU thì hiện nay cũng chỉ có 2 hãng phổ biến là NVIDIA và AMD, ngoài ra còn có Intel nhưng vì chưa phổ biến nên mình không đề cập ở đây.
1.1 NVIDIA
a. Phân loại theo đời GPU
- GTX: 10xx – 16xx (PCIe 3.0), không có DLSS và Ray Tracing Core
- VD: GTX 1060, GTX 1660
- RTX: 20xx (PCIe 3.0), 30xx – 40xx (PCIe 4.0), có DLSS và Ray Tracing Core
- VD: RTX 2070, RTX 3060
Trong 4 chữ số của model thì 2 chữ số đầu tiên thể hiện thế hệ (đời), còn 2 chữ số còn lại thể hiện sức mạnh hiệu năng. VD: GTX 1050 < 1060 < 1070 < 1080.
b. Phân loại theo tốc độ và tính năng
- OC: bản được ép xung cao hơn tí xíu so với bản gốc.
- Gaming: thường có thiết kế quạt và tản nhiệt tốt hơn bản thường và được ép xung cao hơn tí xíu so với bản gốc.
- Super: có hiệu năng, số nhân, xung nhịp cao hơn bản thường 20-30%
- Ti (Titanuim): dòng cao cấp nhát, có hiệu năng cao hơn bản thường khoảng 40%, sử dụng chip, board mạch, quạt và tản nhiệt cao cấp nhất.
1.2 AMD
a. Phân loại theo đời GPU
- Polaris (PCIe 3.0): RX 4xx – 5xx
- VD: RX 470, RX 580
- Vega (PCIe 3.0): RX Vega 56 & 64
- Navi (PCIe 4.0): RX 5xxx (không Ray Tracing) , 6xxx – 7xxx (có Ray Tracing)
- VD: RX 5700, RX 6650
Đối với đời có 3 chữ số thì chữ số đầu tiên thể hiện thế hệ, 2 chữ số còn lại là hiệu năng. VD: RX 460 < RX 470 < RX 480.
Đối với đời có 4 chữ số thì chữ số đầu tiên thể hiện thế hệ (đời), còn 3 chữ số còn lại thể hiện sức mạnh hiệu năng. VD: RX 5600 < 5700 < 5800.
b. Phân loại theo tốc độ và tính năng
- OC: bản được ép xung cao hơn tí xíu so với bản gốc.
- Gaming: thường có thiết kế quạt và tản nhiệt tốt hơn bản thường và được ép xung cao hơn tí xíu so với bản gốc.
- XT: có hiệu năng cao hơn dòng thường 15-20%
1.3 Các điểm cần quan tâm
- Đời cao hơn không có nghĩa là có hiệu năng cao hơn. VD: dòng GTX 1080 (đời 10) có hiệu năng cao hơn dòng RTX 2060 (đời 20) đến 11%.
- Đời cao hơn thường có nhiều công nghệ mới hơn, tính năng nhiều hơn và tiết kiệm điện năng hơn.
- GPU PCIe 4.0 có thể chạy trên mainboard PCIe 3.0 và ngược lại do tương thích chéo. Thực tế khi gaming thì chênh lệch tốc độ giữa 2 chuẩn là không đáng kể (1-3%).
- G-Sync là công nghệ chống xé hình của NVIDIA, sử dụng trên các màn hình có hỗ trợ công nghệ này (và phần lớn các màn hình có hỗ trợ FreeSync/Adaptive Sync), nhưng chỉ hoạt động trên cổng DP (Display Port)
- Adaptive Sync / FreeSync là công nghệ của AMD có tính năng giống G-Sync, hoạt động trên các màn hình có hỗ trợ Adaptive Sync hay FreeSync (và một số màn hình G-Sync đời mới), hỗ trợ cả với cổng DP và HDMI.
- NVIDIA được hỗ trợ nhiều hơn trên các phần mềm xử lý hình ảnh và dựng phim.
1.4 Các tính năng tuỳ chọn
- DLSS là công nghệ độc quyền của NVIDIA hỗ trợ upscale, giúp hình ảnh mượt mà hơn và giúp tăng fps ở game và các công cụ xử lý hình ảnh.
- FSR là công nghệ của AMD cũng tương tự như DLSS nhưng cho chất lượng kém hơn.
- Ray Tracing (dò tia) là công nghệ dò đường đi của các tia sáng từ các nguồn sáng trên khung hình (mặt trời, bóng đèn…) để tạo ra các phản chiếu ánh sáng một cách chân thật trên các vật thể.
1.5 Các thương hiệu uy tín
MSI, Asus, Gigabyte, EVGA, ASRock, Zotac, Galax, Colorful
1.6 Card đồ hoạ cũ
Card đồ hoạ nếu chỉ sử dụng để chơi game hay làm việc thì thường sẽ rất ít hư hỏng. Ngược lại thì đối với các loại trâu cày (dùng để đào tiền ảo) thì chất lượng thường sẽ không đảm bảo, sử dụng không ổn định, hay dễ bị lỗi khi xử lý các tác vụ nặng hoặc thậm chí sẽ hư hỏng sau một thời gian sử dụng. Do đó nếu phải mua GPU cũ thì chỉ nên tìm mua từ các nguồn hàng uy tín, card còn nguyên tem zin của nhà phân phối và còn bảo hành chính hãng.
2. SSD (Ổ đĩa lưu trữ)
2.1 Tốc độ SSD
Mặc dù sử dụng chung chuẩn PCIe 4×4, PCIe 3×4 (ổ cứng NVMe M.2), hay SATA 3 (ổ cứng 2.5 inch) nhưng mỗi ổ SSD đều có chất lượng và tốc độ khác nhau. Những SSD giá rẻ thường sử dụng các chip nhớ chất lượng kém cùng với controller (trình điều khiển) dỏm nên thường sẽ có tuổi thọ kém và tốc độ chậm hơn nhiều so với tốc độ tối đa mà chuẩn PCIe hay SATA cung cấp. Cụ thể như sau:
- PCIe Gen 4×4: tối đa 8GB/s
- PCIe Gen 3×4: tối đa 4GB/s
- SATA 3: tối đa 600 MB/s
Do đó nếu điều kiện cho phép mình luôn ưu tiên chọn những SSD có tốc độ đọc/ghi gần với tốc độ tối đa của các chuẩn. Tuy nhiên vì tốc độ SSD hiện tại đã khá cao so với nhu cầu sử dụng thông thường nên việc chọn lựa một SSD giá rẻ cũng không ảnh hưởng lắm về hiệu năng, miễn là nó từ nhũng thương hiệu uy tín để được đảm bảo về độ bền.
2.2 Các điểm cần quan tâm
- Tốc độ của ổ SSD thường sẽ giảm dần khi dung lượng còn trống càng ít, đặc biệt đối với các SSD giá rẻ thì tốc độ sẽ giảm đi rất đáng kể.
- Tuổi thọ của SSD sẽ phụ thuộc rất nhiều vào lượng dữ liệu được ghi vào ổ cứng nên thông thường các hãng sẽ giới hạn thời gian bảo hành theo tổng số Terabyte đã ghi vào đĩa.
- Tốc độ tối đa chỉ đạt được khi đọc/ghi các file dữ liệu có dung lượng lớn (1 GB/file trở lên), dung lượng file càng nhỏ thì tốc độ sẽ càng thấp.
- Ổ cứng PCIe Gen 4×4 cần được chạy trên mainboard hỗ trợ PCIe Gen 4×4 thì mới đạt được tốc độ tối đa.
- Do tương thích chéo nên ổ cứng PCIe Gen 4×4 có thể chạy trên mainboard PCIe 3×4 và ngược lại nhưng tốc độ bị giới hạn bởi PCIe 3×4.
- Ổ SSD NVME PCIe Gen 4×4 có nhiệt độ cao hơn khi hoạt động so với Gen 3×4.
- Khi bị quá nhiệt thì tốc độ của ổ cứng cũng sẽ bị giảm.
2.3 Các tính năng tuỳ chọn
- Có DRAM: giúp tốc độ tăng lên đáng kể, thường có giá thành cao hơn
- Có heatsink: giúp giảm nhiệt độ khi hoạt động (một số mainboard đã có trang bị sẵn heatsink cho SSD hoặc có thể mua gắn thêm)
2.4 Các thương hiệu uy tín
Samsung, Crucial, Micron, Western Digital, SK Hynik, Kingston
2.5 SSD đã sử dụng
Một ổ SSD nếu ít sử dụng, sức khoẻ còn tốt (>90%) và dung lượng đã ghi thấp thì chất lượng hầu như còn tốt và có thể tiếp tục sử dụng trong thời gian dài. Tuy nhiên khi đã mua hàng cũ thì mình chỉ chọn mua những dòng cao cấp của những thương hiệu lớn.
3. PSU (Nguồn)
Đa số mọi người hay đánh giá thấp tầm quan trọng của bộ nguồn vì không thấy nó mang giá trị gì về hiệu năng hay tốc độ xử lý, nhưng cá nhân mình thì thấy nó cực kỳ quan trọng vì một bộ nguồn không đảm bảo chất lượng có thể làm hỏng tất cả các linh kiện khác trong máy tính.
3.1 Nguồn chất lượng tốt
Không phải cứ thấy thương hiệu nổi tiếng, công suất cao hay đạt chuẩn 80 plus là có thể kết luận là nguồn tốt. Chất lượng của bộ nguồn phụ thuộc rất nhiều vào linh kiện được sử dụng bên trong. Theo kinh nghiệm của mình thì cho dù là thương hiệu lớn cỡ nào thì cũng có dòng sản phẩm kém chất lượng. Do đó, để đảm bảo chọn được bộ nguồn tốt, mình thường hay xem danh sách nguồn ở trang này: https://cultists.network/140/psu-tier-list/
Danh sách này sắp xếp và nhóm các loại nguồn theo thứ tự chất lượng đến kém chất lượng, trong đó Tier A là tốt nhất và F là tệ nhất, tuỳ vào ngân sách mà mình sẽ chọn bộ nguồn phù hợp nằm trong Tier từ A đến C.
3.2 Công suất bao nhiêu là đủ
Lựa chọn công suất của PSU sẽ phụ thuộc vào tổng công suất tiêu thụ của các linh kiện trong máy tính mà mình sử dụng. Để biết chắc chắn máy tính mình cần nguồn bao nhiêu watt thì mình sử dụng trang web sau: https://pc-builder.io/power-supply-calculator
Nếu điều kiện kinh tế cho phép thì mình cũng sẽ mua nguồn dư công suất một tí để dự trù trong tương lai mình có thể nâng cấp thiết bị mà không phải thay nguồn mới.
3.3 Các điểm cần quan tâm
- 80+Efficiency Titanium > Platinum > Gold > Bronze > White
- Lưu ý 80+ Efficiency ở đây không phải là phần trăm công suất thực tế mà mình sẽ có được từ bộ nguồn mà là hiệu suất tiêu thụ điện năng. Ví dụ với bộ nguồn 500W có chứng nhận 80+ sẽ tiêu thụ tối đa 625W điện (tương đương 80%).
- Single rail > Multi rail
- Các công nghệ bảo vệ & an toàn càng nhiều càng tốt
3.4 Các tính năng tuỳ chọn
- Modular vs non-Modular: cáp rời vs cáp liền, cáp rời thì tiện cho việc đi dây và trang trí case hơn.
3.5 Các thương hiệu uy tín
Corsair, MSI, Seasonic, Antec, Super Flower, EVGA, Cooler Master
3.6 Nguồn đã sử dụng
Theo mình thì một nguồn Tier A-C cũ, chưa sữa chữa và đang hoạt động tốt thì còn chất lượng hơn một nguồn mới năm trong Tier E-F hoặc thậm chí còn không nằm trong danh sách đó. Nếu ngân sách của mình quá giới hạn thì mình chẳng thà mua bộ nguồn cũ chất lượng hơn là một nguồn chất lượng kém.