Hướng dẫn Overclock CPU Q6700 lên 3.2 Ghz

Mình ít khi nâng cấp máy tính vì nhu cầu giải trí và làm việc của mình không đòi hỏi máy phải có cấu hình cao. Chiếc PC mình đang dùng đã có tuổi thọ gần 8 năm nhưng đã hầu như đáp ứng được hết các ứng dụng văn phòng và chơi game cơ bản của mình. Tuy nhiên, gần đây mình lại lỡ nghiện một số game tương đối nặng ký và đòi hỏi một cấu hình máy tốt hơn, cụ thể là GTA 5 và Battlefield 4. Việc nâng cấp máy lên cấu hình cao với các linh kiện đời mới đòi hỏi phải tốn một số tiền kha khá, đồng thời lại lãng phí các linh kiện cũ đang xài tốt. Do đó, mình quyết định chỉ mua thêm một số linh kiện đặc biệt cần thiết và cố gắng tận dụng lại các linh kiện cũ.

Ngoài việc bổ sung RAM và thay card VGA, mình quyết định giữ lại con CPU Q6700 và cố gắng overclock nó để đạt được hiệu suất tốt hơn và từ đó đáp ứng được yêu cầu của game. Tuy nhiên, dòng Q6700 này có khuyết điểm là hoạt động khá nóng nên đòi hỏi cần phải được hỗ trợ thêm 1 quạt tản nhiệt mạnh hơn để có thể chạy ở chế độ overclock. Vì vậy, mình quyết định lắp cho em nó chiếc quạt PCCooler S90D.

Cấu hình máy tính của mình khi overclock

  • Motherboard: Gigabyte GA-G33M-S2  (bios phiên bản F7K)
  • CPU: Intel Core 2 Quad Q6700 2.66 Ghz
  • HSF: PCCooler S90D
  • RAM: 4 x 2GB Kingston (8GB) DDR2 bus 800
  • VGA: HIS 7950 3GBGDD5 384bit
  • HDD: 1TB Western Digital 7200rpm
  • PSU: FSP Blue Storm II 500W

Các phần mềm mình đã sử dụng

  • Memtest86 (dùng để kiễm tra lỗi RAM)
  • Prime95 (dùng để stress CPU và xác nhận CPU vẫn hoạt động ổn định sau khi overclock)
  • OCCT (dùng để kiểm tra tính ổn định của toàn hệ thống sau khi overclock)
  • CPU-Z (dùng để xác nhận cấu hình máy để bảo đảm những cài đặt trong BIOS đã được áp dụng)
  • HWMonitor (dùng để theo dõi điện áp và nhiệt độ CPU)

Các bước thực hiện

Bước 1: Kiễm tra RAM

Việc đầu tiên mình làm là kiểm tra lại RAM xem có bất kỳ lỗi gì hay không. Việc này theo mình là rất càn thiết vì RAM lõi sẽ gây ra rất nhiều lỗi khi overclock CPU và sẽ khiến cho việc xác định các thông số cài đặt phù hợp cho CPU rất khó khăn.

Cách kiểm tra RAM:

  • Download Memtest86 rồi ghi  ra USB hoặc CD bằng công cụ đã được tích hợp sẵn.
  • Khởi động lại máy và khởi động từ USB/CD
  • Đợi Memtest86 kiểm tra, nếu thấy không báo lỗi thì có nghĩa là RAM đang hoạt động tốt

Bước 2: Kiểm tra CPU

Trước khi tiến hành overclock CPU, mình kiểm tra lại CPU một lượt để bảo đảm nó vẫn hoạt động tốt, vì chắc chắn nếu chưa overclock mà CPU đã có vấn đề thì sẽ không bao giờ có được một hệ thống ổn định sau khi overclock.

Cách kiểm tra nhanh CPU:

  • Download và chạy phần mềm Prime95
  • Chạy ở chế độ Blend ít nhất 30-60 phút
  • Nếu không thấy lỗi ở bất kỳ Worker nào thì mới tiến hành overclock

Bước 3: Overclock

Khởi động lại máy, vào CMOS Setup bằng cách nhấn nút Del ở màn hình Memory Testing

Trong mục MB Intelligent Tweaker (M.I.T.) cài đặt các thông số sau:

  • CPU Clock Ratio: [10 X]
  • CPU Host Clock Control: [Enable]
  • CPU Host Frequency (Mhz): [320]
  • System Memory Multiplier (SPD): [2.00]
  • System Voltage Control: [Manual]
  • CPU Voltage Control: [1.33750V]

Một số lưu ý khi cài đặt các thông số:

  • Motherboard GA-G33M-S2 chỉ hỗ trợ tối đa FSB 1333, đồng nghĩa với CPU bus tối đa = (1333 / 4) = 333
  • Mặc định CPU Q6700 chạy bus 1066 với multiplier 10 (1066 / 4 x 10 = 2.66 Ghz)
  • CPU Q6700 có công suất 65w, có thể chịu được điện áp tối đa 1.55V
  • Nhiệt độ tối đa CPU Q6700 có thể chịu dược là 71oC, do đó ngưỡng an toàn khi overclock là bảo đảm cho nhiệt độ khi stress CPU phải <= 65oC
  • Mình đã có thử overclock CPU lên tối đa 3.33 Ghz (333 x 10) nhưng đã không thành công vì quạt tản nhiệt không đủ sức khi tăng điện áp của CPU (vcore) lên trên 1.4V, khiến nhiệt độ khi stress CPU lên tới trên 70oC
  • SPD mình cài đặt ở tham số 2.00 nhàm để ngắt liên kết với CPU (unlink) với mục đích ngăn không cho RAM bị overclock theo CPU, đồng thời ép RAM chạy với xung nhịp đồng bộ với CPU (theo tỉ lệ 1:1), do đó bus RAM lúc này là 640 (320 x 2, do là RAM DDR2 nên Double Data Rate). Khi đó RAM chạy với xung nhịp thấp hơn mặc định (800 Mhz) nên mình không cần phải nâng điện áp cho RAM.
  • Mặc định điện áp cấp cho CPU là 1.2250v, tuy nhiên điện áp này không đủ để chạy xung 3.2 Ghz. Sau nhiều lần thử đưa điện áp lên mức cao hơn từ từ, mình đã chạy được hệ thống ổn định ở mức 1.33750v
  • (Optional) Tắt chế độ tiết kiệm điện Speedstep / C1E khi chạy overclock để đảm bảo tính ổn định. Sau khi overclock thành công thì hãy thử bật C1E lên và kiểm tra lại, nếu vẫn ổn định thì nên sử dụng để tiết kiệm điện năng cho CPU.

Bước 4: Kiểm tra và bảo đảm sự ổn định

Nếu điện áp của CPU không đủ sẽ bị hiện tượng không thể khởi động được Windows. Triệu chứng rõ nhất là đang khởi động thì máy bị reset, hoặc bị lỗi màn hình xanh. Lúc này mình phải nâng vcore lên từ từ đến khi có thể khởi động vào Windows.

Sau khi vào được Windows , việc trước tiên mình làm là chạy phần mềm CPU-Z để kiểm tra lại một lượt các thông số như FSB của RAM và CPU (320), RAM ratio (1;1), vcore để chắc chắn các thiết lập ở CMOS đã có hiệu lực. Lưu ý vcore sẽ thấp hơn so với cài đặt CMOS do bị hiện tượng vdroop.

Kế tiếp mình chạy phần mềm Prime95 ở chế độ Blend, nếu gặp lỗi thì phải tiếp tục nâng vcore lên đến khi nào không còn lỗi.

Một số lưu ý khi kiểm tra máy:

  • Trong khi chạy Prime95, mình cũng mở song song phần mềm HWmonitor để theo dõi nhiệt độ và vcore của CPU để bảo đãm nhiệt độ không vượt quá 65oC.
  • Overclock chỉ có thể nói là thành công và ổn định sau khi cho máy tính chạy Prime95 24h mà không có bất kỳ lỗi nào phát sinh.
  • Lưu ý khi chạy Prime95 cần phải tắt chế độ Sleep của Windows.
  • Tiêu chí của overclock chính là đạt được con số vcore thấp nhất có thể để chạy được CPU ở xung 3.2 Ghz ổn định nhất.

Sau cùng mình chạy phần mềm OCCT để kiểm tra máy khi chạy cùng với card VGA.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *